kỹ thuật in chuyển nhiệt là gì

In chuyển nhiệt là gì? Tại sao nhận in số lượng ít mà giá thành vẫn rẻ

In chuyển nhiệt là gì? Có bao giờ bạn thắc mắc rằng: tại sao đặt in đồ bóng đá với số lượng ít, từ 1 – 2 bộ, người ta vẫn nhận in và giá thành in tương đối rẻ? Nhưng khi in trên những chất liệu khác, ví dụ in trên áo khoác chẳng hạn, thì giá thành lại rất cao, thậm chí là shop bán hàng còn không nhận in với số lượng ít.

Khi bạn hỏi lý do, thì sẽ nhận được câu trả lời kiểu như: do đồ bóng đá sử dụng kỹ thuật in chuyển nhiệt, nên in được với số lượng ít mà giá thành vẫn không thay đổi nhiều.

Nói đến đây, nếu những ai đang làm trong ngành thì đã hiểu được vấn đề. Còn ngược lại, mọi người sẽ tiếp tục thắc mắc rằng in chuyển nhiệt là gì? Tại sao nó in được với số lượng ít mà giá thành vẫn rẻ như vậy?…

Tất cả những thắc mắc trên, Minh Sport xin tổng hợp và chia sẻ chi tiết trong bài viết hôm nay. Mọi người cùng tìm hiểu nhé!

Kỹ thuật in chuyển nhiệt là gì?

In chuyển nhiệt là kỹ thuật in sử dụng lực épnhiệt độ cao để làm nóng chảy mực in từ giấy in chuyển nhiệt lên bề mặt vật liệu cần in, như: vải, áo thun, nhựa, ốp lưng điện thoại,…

Lưu ý: mỗi vật liệu in khác nhau sẽ cần một khuôn máy ép nhiệt khác nhau. Vì vậy, trong nội dung bài viết này, Minh Sport sẽ đề cập đến kỹ thuật in chuyển nhiệt trên vải/áo thun nhé.

Những ví dụ sử dụng kỹ thuật in chuyển nhiệt trên áo thun phổ biến hiện nay: in áo bóng đá, in hình chân dung lên áo, in áo gia đình, áo đôi, áo cặp,…

kỹ thuật in chuyển nhiệt là gì
In chuyển nhiệt là kỹ thuật in sử dụng lực ép và nhiệt độ cao để làm nóng chảy mực in từ giấy in chuyển nhiệt lên bề mặt vật liệu cần in (hình minh họa)

Quy trình in chuyển nhiệt gồm 2 giai đoạn chính:

Giai đoạn 1: in hình ra giấy in chuyển nhiệt

Giai đoạn 2: ép giấy in lên vật liệu cần in

2 Giai đoạn của kỹ thuật in chuyển nhiệt là gì

Giai đoạn 1: In hình ra giấy in chuyển nhiệt

  • Bước 1: bạn cần chuẩn bị 1 tấm hình. Tấm hình đó có thể là ảnh chụp trên điện thoại, hoặc ảnh tải trên internet về,…
  • Bước 2: đưa hình ảnh qua photoshop để chỉnh sửa màu sắc, độ nét, cắt đúng kích thước cần in,…
  • Bước 3: in hình ra giấy in chuyển nhiệt

Điều đặc biệt ở giai đoạn này là ở giấy in chuyển nhiệt mực in chuyển nhiệt

Giấy in chuyển nhiệt

Giấy in chuyển nhiệt nhìn sơ qua thì màu sắc, độ dày,… giống hoàn toàn với tờ giấy văn phòng phẩm A4 bình thường. Tuy nhiên, nó không phải là loại giấy đó.

Giấy in chuyển nhiệt là loại giấy có bề mặt được phủ một lớp hỗn hợp của thuốc nhuộm (vì vậy còn được gọi là giấy thuốc). Hỗn hợp này có đặc điểm là rất nhạy nhiệt: khi gặp nhiệt độ cao, mực in sẽ nóng chảy và chuyển màu lên bề mặt vật liệu cần in.

Đặc điểm nhận biết giấy in chuyển nhiệt: chúng ta sẽ nhúng ngón tay vào nước, sau đó cầm lên bề mặt của giấy và cảm nhận. Giấy in chuyển nhiệt sẽ có 1 lớp dẻo và có cảm giác dính tay chặt hơn so với giấy thường.

Hiện nay, thì giấy in chuyển nhiệt cũng được phân ra làm nhiều loại:

  • Theo kích thước: khổ giấy A4, A3, giấy in nguyên cuộn,…
  • Theo chất lượng: chất lượng giấy càng tốt, thì hình in càng đậm nét và đẹp hơn,…

Mực in chuyển nhiệt

Mực in chuyển nhiệt cũng là một loại mực in chuyên dụng, không phải là loại mực in thông thường và thường nó sẽ đi kèm luôn với loại máy in chuyên dụng.

Mực in chuyển nhiệt có khả năng chịu được nhiệt độ cao. Mực in tốt sẽ giúp cho hình in có màu sắc chuẩn và sắc nét hơn.

Giai đoạn 2: Ép giấy in lên vật liệu cần in

Với giai đoạn 2, chúng ta cần có: Giấy in, Máy ép nhiệtVật liệu cần in.

  • Bước 1: mở máy ép nhiệt (điều chỉnh thời gian ép là 25 giây – nhiệt độ ép là 210 độ)
  • Bước 2: khi máy ép đủ 210 độ, thì chúng ta sẽ đưa Giấy in vào Vật liệu cần in
  • Bước 3: đủ 25 giây, chúng ta lấy Giấy in và Vật liệu cần in ra

Lưu ý: để đảm bảo một hình in đẹp, sắc nét thì quá trình ép chúng ta phải chú ý tới 3 tiêu chí: thời gian ép, nhiệt độ éplực ép.

Với kỹ thuật in chuyển nhiệt lên bề mặt vải thun: thì thời gian ép là 25 giây, 210 độ và vặn núm chiều chỉnh lực ép về mức chặt nhất là OK.

kỹ thuật in chuyển nhiệt là gì
In chuyển nhiệt bao gồm 2 giai đoạn chính là in hình ra giấy in chuyển nhiệt và ép giấy in lên bề mặt vật liệu cần in (hình minh họa)

Ưu điểm của kỹ thuật in chuyển nhiệt là gì?

  • Giá thành thấp hơn so với những công nghệ in áo thun khác
  • Thao tác ép dễ dàng, đơn giản mà ai cũng có thể làm được: chỉ cần biết nhiệt độ ép và thời gian ép bao nhiêu là OK
  • In được những hình có màu sắc, họa tiết phức tạp lên áo một cách đơn giản và giống với hình ảnh gần như tuyệt đối
  • Độ bền cao: màu in dính chặt trên từng sợi vải, không sợ bị phai màu
  • Sử dụng trực tiếp file hình ảnh, không mất thời gian thiết kế, vẽ lại
  • Có thể in nhiều vị trí, kích thước khác nhau: như logo nhỏ, hoặc những hình ảnh kích thước lớn toàn thân áo,…
  • In được cả những hình ảnh nhiều màu sắc, hình ảnh chân dung của bạn,…
  • In được mọi số lượng, dù ít hay nhiều thì chi phí chênh lệch không quá lớn
kỹ thuật in chuyển nhiệt là gì
In chuyển nhiệt có nhiều ưu điểm nổi bật so với những kỹ thuật in áo thun khác (hình minh họa)

Nhược điểm của kỹ thuật in chuyển nhiệt là gì?

  • Chỉ in đẹp trên những chất liệu vải thun có tỉ lệ polyester cao (vải thun lạnh, vải su pha,…), và vải thun có tỉ lệ cotton càng cao thì hình in càng mờ. Trong khi đó, tỉ lệ polyester càng cao, thì khả năng thấm hút mồ hôi càng kém và áo mặc sẽ có cảm giác nóng hơn.
  • Khó in hơn trên vải thun co giãn 4 chiều: khó ở bước trải vải lên máy ép và mực in sẽ không thấm đều trên bề mặt vải
  • Chỉ in được trên vải thun có nền vải sáng màu (màu trắng, màu vàng nhạt, màu hồng,…)

Tại sao in chuyển nhiệt nhận in số lượng ít mà giá thành vẫn rẻ?

  • Không tốn nhiều thời gian cho khâu chuẩn bị: trong in chuyển nhiệt, thời gian cho khâu chuẩn bị tùy thuộc vào số lượng áo cần in. Ví dụ cần in 2 áo thì mất 2 phút chuẩn bị, 60 áo thì mất 60 phút chuẩn bị.

Còn những kỹ thuật in khác, thì thời gian chuẩn bị sẽ là cố định, không phụ thuộc vào số lượng áo cần in. Ví dụ, với kỹ thuật in kéo lụa, thì dù in 2 áo hoặc 60 áo, thì đều phải mất khoảng 3 tiếng cho khâu chuẩn bị.

Vậy nên, ít shop bán hàng người ta bỏ ra 3 tiếng chuẩn bị để chỉ in 2 sản phẩm cả.

  • Chi phí in trên mỗi sản phẩm là cố định: ví dụ chi phí in cho mỗi sản phẩm là 5K (chỉ tính chi phí thực hiện đơn hàng thôi, như giấy in, điện,…) thì nếu in 2 sản phẩm là 10K, 60 sản phẩm là 300K và không phát sinh thêm bất kỳ chi phí nào.

Còn ngược lại, với kỹ thuật in kéo lụa chẳng hạn, thì nếu in số lượng ít, thì sẽ phát sinh thêm các chi phí như: tồn mực in,…nên rất khó để nhận in với lượng ít như vậy.

  • Không cần nhiều nhân lực: công nghệ in chuyển nghiệp được thao tác bằng máy, nên không cần tốn nhiều nhân lực, nên tiết kiệm được chi phí.
  • Chấp nhận in số lượng ít để bán được hàng: giả sử bạn mang đến 2 chiếc áo thun trơn và nhờ in hình áo thun cặp, thì tất nhiên chẳng có shop nào họ nhận in cả. Điều mấu chốt ở đây là họ chấp nhận in số lượng ít, giá thành rẻ để bán được hàng của shop thôi.
kỹ thuật in chuyển nhiệt là gì
Kỹ thuật in chuyển nhiệt có thể nhận in với số lượng ít, nhưng giá thành vẫn rẻ (hình minh họa)

Trên đây là toàn bộ những kiến thức tổng hợp về kỹ thuật in chuyển nhiệt là gì? Ưu nhược điểm của nó và lý do tại sao in chuyển nhiệt lại nhận in số lượng ít mà giá thành vẫn rẻ. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc gì về kỹ thuật in chuyển nhiệt, xin vui lòng để lại bình luận dưới phần bài viết này, Minh Sport sẽ tìm hiểu và giải thích kỹ hơn nhé!

Minh Sport luôn mong muốn mang đến những kiến thức miễn phí và giá trị to lớn cho Quý khách hàng. Nếu bạn đang có nhu cầu mua sắm quần áo nam thời trang, thể thao,…thiết kế đẹp, chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh,… Xin vui lòng xem mẫu và ủng hộ TẠI ĐÂY nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *